Game online: Cấm đến đâu?
4 kiến nghị khá quyết liệt được UBND TP.HCM gửi Chính phủ
trong việc tìm những giải pháp nhằm kiểm soát tác hại của trò chơi trực
tuyến (game online). Tuy nhiên, những kiến nghị “cấm” này chưa nhận được
nhiều sự đồng thuận.Ảnh minh họaMỗi địa phương một cách làmÔng Phạm Kim Sơn, GĐ
Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, những tác động tiêu cực của game online
đã có ở địa phương này, không ít học sinh của TP bỏ học do mê chơi game,
song số lượng đã hạn chế rất nhiều trong thời gian qua. Kinh nghiệm của
Đà Nẵng là thanh tra dày đặc, đột xuất kể cả 11-12h đêm, kết hợp với
nhà trường, các tổ chức xã hội, công an… để giám sát thường xuyên.
“Đúng là có nhiều
trò chơi đã được cấp phép nhưng bị dư luận đánh giá là mang tính bạo
lực. Một số game online của VN chưa được cấp phép nhưng vẫn lưu hành
trên mạng, thể hiện sự yếu kém của quản lý. Tuy nhiên, không nên cấm
đoán đến mức độ cực đoan mà phải có biện pháp quản lý tốt hơn, kể cả về
mặt pháp lý và kỹ thuật. Việc cấp phép game phải chặt chẽ hơn và bằng
biện pháp kỹ thuật theo kinh nghiệm của Trung Quốc để hạn chế chơi
game”, ông Sơn đề xuất. Ngoài ra, ông cũng cho rằng, đối với nhập khẩu
các game online mới, cấm hoàn toàn là không nên mà chỉ cấm nhập game
được thẩm định là có tính bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa…
Khẳng định “cấm”
không phải là giải pháp hiệu quả và các quy định quản lý hiện hành nếu
được siết chặt cũng đủ sức kiểm soát game online, ông Nguyễn Văn An, GĐ
Sở TT&TT Hải Phòng cho hay, với những quan điểm khác nhau, mỗi địa
phương có một cách làm khác nhau để quản lý game online. Tại Hải Phòng,
việc theo dõi, quản lý các đại lý Internet được thống kê hàng năm và tổ
chức thành những đợt điều tra từ cấp xã, phường, quận, huyện và toàn TP.
“Vì vậy các quán Internet ở mọi nơi, tận bờ sông bãi sú đều được chính
quyền địa phương nắm rõ như lòng bàn tay. Các quy định tất nhiên vẫn có
cái cần bổ sung nhưng trong quản lý nếu không chấn chỉnh thường xuyên
thì các quán net ở đâu rồi cũng sẽ vi phạm. Hơn nữa, cần có sự phối hợp
với các đoàn thể, nhà trường và đặc biệt là gia đình. Thống kê tại Hải
Phòng cho thấy trong 100.000 thuê bao Internet thì đại lý Internet chỉ
chiếm 1%”, ông An phân tích.
Cân
nhắc những điểm hợp lý Đồng tình với kiến
nghị cấm game online sau 23h, ông Đặng Khắc Thắng, PGĐ Sở TT&TT Nghệ
An cho rằng, cái khó của giải pháp này chính là ở mặt kỹ thuật bởi như
nhiều ý kiến đã phân tích nếu doanh nghiệp VN ngừng cung cấp game thì
người chơi sẽ chuyển sang game của doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời
doanh nghiệp VN lại chịu thiệt thòi khi không bán được game ra nước
ngoài trong thời gian game bị cấm ở trong nước. Theo ông Thắng, nên đóng
game tại địa điểm vì kinh doanh game là lĩnh vực kinh doanh có điều
kiện, các đơn vị phải có cam kết giờ đóng cửa, quy định giờ chơi của
người chơi, nếu vi phạm thì bị xử lý chứ không thể đóng được máy chủ.
Với các kiến nghị
như cấm nhập khẩu game online, cấm quảng cáo game online dưới mọi hình
thức, ông Thắng cho rằng đây là những giải pháp cực đoan. “Theo tôi, cấm
nhập khẩu tuyệt đối là không được mà phải xem xét lại việc nhập khẩu
game có lựa chọn như việc quản lý nhập khẩu xuất bản phẩm hiện nay hoặc
quản lý video trước đây, muốn xem được phải đăng ký và có dán tem. Cũng
tương tự như vậy với quảng cáo, nên coi game online là một loại hàng hóa
đặc biệt và được quảng cáo có điều kiện khống chế chặt chẽ về nơi đặt
quảng cáo, phương thức quảng cáo, thời hạn đưa và cả quy định thuế cao
với mặt hàng này”, ông Thắng kiến nghị.
Theo ông Lưu Vũ Hải,
Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT, kiến nghị cấm quảng cáo game online đã được
nêu ra tại Hội thảo hồi đầu tháng 5 tại Hà Nội trong quá trình xây dựng
dự thảo Quy chế quản lý game online thay thế Thông tư liên tịch 60. Tuy
nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nhìn nhận trò chơi trực tuyến
như rượu và thuốc lá. Tuy vậy, quan điểm của Cục là nên áp dụng cấm
quảng cáo game online trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng
không nên cấm tất cả, cần phân biệt những trò chơi thuần Việt gắn giải
trí với giáo dục.
“Thẩm định lại các
trò chơi đã cấp phép như kiến nghị của TPHCM là việc cần làm và cần có
hội đồng theo dự thảo trong Quy chế mới để làm việc này. Còn việc đánh
giá tác động xã hội khó hơn nhiều khâu thẩm định chính xác trò chơi
trước khi cấp phép. Vì vậy, cần tập trung nâng cao chất lượng của hội
đồng thẩm định, bảo đảm kết quả mang tính khách quan, tạo được sự đồng
thuận xã hội cao”, ông Hải bình luận.
Đối với việc nhập
khẩu game online, ông Hải cho rằng, bảo hộ trò chơi trong nước bằng cách
cấm trò chơi nhập khẩu là khó về pháp lý trong bối cảnh hội nhập quốc
tế. Vấn đề là tăng cường các điều kiện thẩm định, cấp phép về nội dung,
kỹ thuật. Việc khuyến khích các trò chơi thuần Việt là đúng song cần có
thời gian vài năm để có những sản phẩm thực sự vì sản xuất một trò chơi
thuần Việt cần đầu tư rất lớn về kinh phí, nguồn nhân lực và thời gian.
Trong điều kiện chưa có những trò chơi thuần Việt hấp dẫn thì việc cấm
trò chơi nhập ngoại càng không nên.
Với kiến nghị dừng
hoạt động của hệ thống trò chơi sau từ 23h đến 6h sáng hôm sau, ông Hải
nêu rõ, chỉ nên dừng cung cấp dịch vụ với các đại lý Internet. Còn đối
với gia đình, do điều kiện, hoàn cảnh công tác khác nhau nên nhu cầu của
cá nhân sử dụng dịch vụ về đêm cũng cần được lưu ý và tôn trọng. Hơn
nữa, đây cũng là một trong những nội dung của dự thảo quy chế quản lý
game online đang được xây dựng không nhận được sự đồng thuận cao của các
doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến.
4 kiến nghị chính của UBND TPHCM trong văn bản
gửi Chính phủ:
- Cấm quảng cáo game online dưới mọi hình
thức.
- Thẩm định lại nhiều game online đã được cấp
phép và phát hành. Ngoài ra, cũng cần đánh giá thêm tác động xã hội của
loại trò chơi này trước khi cấp phép.
- Không nên nhập khẩu trò chơi trực tuyến
mới, đồng thời khuyến khích cung cấp các trò chơi trực tuyến mang tính
giáo dục lịch sử, văn hóa Việt Nam.
- Quy định dừng hoạt động của hệ thống trò
chơi từ 23h đến 6h sáng hôm sau.